(ANTV) – Từ đầu năm 2025 đến nay, trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, xuất hiện hàng loạt bài đăng kêu gọi từ thiện giả mạo dưới danh nghĩa các bệnh viện lớn tại Việt Nam. Các bài viết này sử dụng nội dung và hình ảnh giống nhau, nhưng thay đổi số tài khoản và thông tin bệnh nhân. Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo đã khiến nhiều người dân lầm tưởng và chuyển tiền ủng hộ vào các tài khoản giả mạo.
Theo ghi nhận của phóng viên Truyền hình ANTV, các fanpage giả mạo mang tên các bệnh viện từ trung ương đến địa phương như: Bệnh viện K, bệnh viện 108, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Phụ sản Trung ương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức,… Nội dung bài đăng trên các fanpage này giống hệt nhau, từ lời kêu gọi, hình ảnh, đến câu chuyện cảm động về hoàn cảnh của bệnh nhân.
Điều đáng chú ý là dù nội dung và hình ảnh giống nhau, tuy nhiên các fanpage lại sử dụng các số tài khoản ngân hàng khác nhau. Các đối tượng lừa đảo đã chạy quảng cáo với số lượng tương tác và chia sẻ cao, khiến bài viết nhanh chóng thu hút sự chú ý. Sau khi nhận được tiền quyên góp, chúng lập tức tạo fanpage mới, thay đổi tên và số tài khoản để tiếp tục kêu gọi, khiến nhiều người lầm tưởng đây là những hoàn cảnh khác nhau.
Nạn nhân cho biết, tôi đi khám tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, thì truy cập fanpage của bệnh viện cập nhật các thông tin của bệnh viện xem thế nào, thì thấy có bài đăng trường hợp của 1 sản phụ có hoàn cảnh khó khăn, nhờ mọi người giúp đỡ. Tôi thấy thương cảm nên có chuyển khoản hỗ trợ 1 triệu đồng. Sau đến khám hỏi bác sĩ thì bác sĩ nói đây là fanpage giả mạo, nhiều người bị lừa chuyển khoản cho chúng lắm.
Nạn nhân: Tôi lướt mạng Facebook thì thấy thông tin bệnh viện 108 đăng tải có một bệnh nhân ung thư cần tấm lòng của các nhà hảo tâm giúp đỡ, hoàn cảnh khó khăn lắm, tôi liền tin và chuyển khoản hỗ trợ 500 nghìn. Tôi còn nhắn tin cho fanpage nói mình đã hỗ trợ nhưng sau tin nhắn đó thì bị chặn luôn. Tôi gọi lên tổng đài bệnh viện hỏi thì được phản hồi trang đó lừa đảo.
Theo các chuyên gia, người dân cần thận trọng khi tiếp nhận các thông tin kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội: Các đối tượng lừa đảo này thường sử dụng hình ảnh và nội dung của các trường hợp thương tâm thực sự để tạo sự đồng cảm và kêu gọi quyên góp, nhưng lại sử dụng tài khoản cá nhân riêng để thu tiền. Mặc dù các trang mạng xã hội như Facebook đã quản lý và gỡ bỏ một số trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn nhiều trang giả mạo khác được tạo ra liên tục.
Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân cho biết, người dân cần tỉnh táo, không tin tưởng mù quáng vào những thông tin trên mạng xã hội mà cần xác minh thông tin với các kênh chính thức của bệnh viện, như liên hệ trực tiếp hoặc qua số hotline. Đối với các cơ quan chức năng, bệnh viện và tổ chức an ninh mạng, cần tăng cường hợp tác để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi lừa đảo này.
Luật sư Hoàng Xuân Quang, Giám đốc Công ty Luật TNHH KCF, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quan điểm của tôi thì các đối tượng này đã đủ yếu tố để xử lý theo điều 174, Bộ luật hình sự 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.. Hình thức xử phạt cao nhất là tù chung thân.
Các vụ việc giả mạo kêu gọi từ thiện không chỉ gây thiệt hại vật chất của những nhà hảo tâm mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của các bệnh viện và lòng tin của cộng đồng đối với hoạt động từ thiện. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc để điều tra, xử lý nghiêm các hoạt động, đối tượng lừa đảo, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát nội dung trên mạng xã hội nhằm ngăn chặn những hành vi tương tự.